Các giảng viên Bộ môn kỹ thuật nhiệt lạnh, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Nha Trang (ĐHNT) vừa thiết kế, chế tạo thành công tủ sấy đa năng công suất 5 - 7kg/mẻ, phục vụ công tác đào tạo và hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.
Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã chọn tôm thẻ chân trắng tươi, có kích cỡ 100 - 110 con/kg với màu sắc, mùi tanh tự nhiên để thử nghiệm. Tôm sau khi luộc trong nước muối có nồng độ 3% khoảng 15 phút được tiến hành sấy bằng các phương pháp khác nhau (bằng bơm nhiệt - HP, bức xạ hồng ngoại - IR và sấy bằng bơm nhiệt kết hợp hồng ngoại - HP-IR) ở chế độ sấy thích hợp cho đến khi độ ẩm cuối cùng của sản phẩm sấy đạt từ 20 đến 22%. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chế độ sấy thích hợp cho đối tượng tôm thẻ chân trắng là khi sấy bằng HP-IR vận tốc gió 2m/s, nhiệt độ sấy 60oC, công suất hồng ngoại 1.800W, độ dày trung bình của lớp tôm khoảng 1cm với thời gian sấy 3 giờ. Tôm sau khi được sấy bằng HP-IR có màu sắc đẹp và tự nhiên.
Ngoài sấy tôm, nhóm nghiên cứu còn thử nghiệm sấy quả bơ. Bơ sau khi được cắt lát mỏng đưa vào sấy cho thấy, bơ sấy bằng HP - IR và bơ sấy bằng bơm nhiệt đều cho chất lượng tốt, giữ được màu sắc ban đầu của bơ tươi trước khi sấy, đáp ứng yêu cầu sản xuất bột bơ thương mại.
Theo nhóm nghiên cứu, dựa trên các kết quả tính toán, thiết kế, chế tạo máy sấy đa năng và thực nghiệm với các vật liệu sấy từ tôm thẻ chân trắng và bơ cắt lát cho thấy, thiết bị sấy sau khi thiết kế, chế tạo và thử nghiệm có thể thực hiện đồng thời các chức năng như: sấy HP-IR; sấy lạnh kết hợp hồng ngoại HP-IR; sấy bằng hồng ngoại… Đồng thời, có thể đáp ứng được các yêu cầu sấy thực phẩm ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ môi trường hoặc cao hơn từ 20 đến 65oC, vận tốc gió có thể điều chỉnh từ 0,5 đến 5m/s. Ngoài ra, sấy lạnh bằng bơm nhiệt ở nhiệt độ thấp từ 20 đến 25oC, có thể sấy các loại như: yến, chế phẩm sinh học, các sản phẩm từ rong biển (oligochitin và oligochitosan), gelatin từ da cá tra…
Thạc sĩ Lê Như Chính - Khoa Cơ khí, Trường ĐHNT, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Hiện nay, thiết bị sấy không chỉ được đưa vào thực hành cho sinh viên các ngành Kỹ thuật nhiệt lạnh, Công nghệ thực phẩm, Chế biến thủy sản trong quá trình học tập mà còn phục vụ hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, làm chuyên đề tốt nghiệp. Ngoài ra, thiết bị sấy còn được ứng dụng thử nghiệm thực tế, sấy thức ăn nuôi tôm hùm tại Trung tâm quốc gia giống hải sản miền Trung ở dốc Đá Trắng (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh). Bên cạnh phục vụ công tác đào tạo sinh viên, mục tiêu của chúng tôi là hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. Do đó, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu thiết kế hệ thống tủ nhiều tầng, nâng cao công suất. Ngoài sấy các mặt hàng thủy sản (cá cơm, tôm, mực khô…), còn sấy các mặt hàng nông sản khác”.
Theo Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài Trường ĐHNT, đây là sản phẩm có tính ứng dụng cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên các ngành (Kỹ thuật nhiệt, Công nghệ thực phẩm, Chế biến thủy sản…), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Kết quả đề tài còn cho thấy, phương pháp sấy HP - IR là phương pháp sấy tiết kiệm năng lượng, phù hợp cho sấy thực phẩm, thủy sản. Đây là đề tài thực sự cần thiết cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.
(Nguồn: KHÁNH HÀ - Báo Khánh Hoà)