Chào mừng Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Nha Trang lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2025 - 2030
Trong giai đoạn 2020-2025, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng bộ Trường Đại học Nha Trang, công tác hợp tác đối ngoại và phục vụ cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật:
Nhà trường đã hoàn thành công tác rà soát, ban hành mới các chính sách tạo động lực thúc đẩy hoạt động hợp tác đối ngoại và phục vụ cộng đồng, cụ thể như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2021 – 2025 về hoạt động hợp tác quốc tế; Chính sách gắn kết và phục vụ cộng đồng; Quy định về công tác truyền thông, quảng bá; Kế hoạch hợp tác quốc tế, truyền thông quảng bá, phục vụ cộng đồng hằng năm.
Thiết lập và phát triển mạng lưới hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trên thế giới, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và các cá nhân có liên quan đến chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu của Trường. Trong giai đoạn 2020 - 2025, Nhà trường đã phát triển thêm hơn 40 đối tác mới, trong đó có 02 đối tác hợp tác chiến lược là Trường Đại học Quốc lập Hải dương Đài Loan và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc lập Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc). Nhà trường đã xây dựng kế hoạch hợp tác tổng thể với các đối tác chiến lược năm học 2024-2025 và giai đoạn trung hạn 2024-2027; đã triển khai các hoạt động hợp tác như: Thống nhất xây dựng 01 bài giảng điện tử dùng chung, triển khai 2 đề tài hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản, tổ chức thành công hội thảo quốc tế lần thứ 5 về khoa học và công nghệ biển và thủy sản (MFST 2025), hơn 30 cán bộ, sinh viên đã tham gia vào các chương trình học bổng, trao đổi trong năm học 2024 -2025.
Các hợp tác với đối tác Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Na Uy và một số nước trong khu vực Châu Á, Châu Phi tiếp tục được phát triển theo chiều sâu, thực chất và hiệu quả với nhiều hoạt động, chương trình, dự án cụ thể.
Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, nguồn thu và vị thế của Nhà trường, đồng thời thu hút giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh quốc tế đến nghiên cứu, giảng dạy, học tập, trao đổi học thuật. Trong giai đoạn 2020 - 2025, đã có hơn 10 dự án quốc tế về đào tạo, nâng cao năng lực được triển khai, nổi bật là: UNCTAD, ILP, VIETSKILL, NORHED 1 và 2, VLIR, IUU, KOICA IBS, Rừng ngập mặn, ECOVIP, DIGITAL-MOVE, DIVE, EMSIV, ASSIST, DEVICES.
Hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học với các trường đại học nước ngoài và tổ chức quốc tế được chú trọng phát triển, các nhóm nghiên cứu tại các khoa/ viện và liên ngành đã xây dựng hơn 20 hồ sơ đề tài/ dự án nghiên cứu quốc tế, có hơn 10 dự án hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài được triển khai, tập trung vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và kinh tế biển. Thông qua hoạt động hợp tác này, các giảng viên của Trường đã xuất bản được nhiều bài báo quốc tế uy tín trong danh mục WoS/ Scopus, năng lực nghiên cứu của nhiều giảng viên được nâng cao.

Hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút nhiều giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh quốc tế đến nghiên cứu, giảng dạy, học tập tại Trường. Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế theo hình thức du học bán phần và toàn phần tiếp tục được Nhà trường đẩy mạnh, cụ thể như: Đào tạo đại học cho lưu học sinh Lào thuộc diện tỉnh Khánh Hòa cấp học bổng toàn phần; Chương trình thạc sỹ ngành Công nghệ thực phẩm hợp tác với các đối tác Bỉ và Việt Nam; Chương trình thạc sỹ ngành Quản trị kinh doanh và Du lịch hợp tác với AUF; Chương trình tiến sĩ Kinh tế và Quản lý Tài nguyên Biển trong khuôn khổ Dự án NORHED 2 do Chính phủ Na Uy tài trợ; Chương trình đào tạo đại học các ngành theo đặt hàng của Chính phủ Vanuatu. Nhà trường cũng đã thống nhất với một số đối tác để xây dựng chương trình đào tạo liên kết bằng tiếng Anh: Xây dựng chương trình liên kết đào tạo ngành Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin với Đại học James Cooks (Úc); cùng với Viện Nghiên cứu Giáo dục và Kinh tế quốc tế xây dựng chương trình đào tạo cấp song bằng cho 2 ngành Quản trị kinh doanh và Quản trị khách sạn đạt chuẩn của Vương quốc Anh; cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo Vanuatu triển khai Chương trình đào tạo theo hình thức cấp học bổng toàn phần từ Chính phủ Vanuatu.
Hoạt động trao đổi cán bộ và sinh viên đạt nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2020 - 2025, có hơn 375 lượt sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh quốc tế đến Nhà trường tham gia học tập dài hạn, trao đổi ngắn hạn, giao lưu; hơn 20 lượt giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy ngắn hạn, dài hạn, nghiên cứu. Nhà trường đã cử 19 viên chức đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài; 260 lượt giảng viên đi giảng dạy, nghiên cứu, tham dự các khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo, làm việc tại các nước trên thế giới; hơn 150 lượt sinh viên tham gia các chương trình trao đổi tín chỉ, giao lưu văn hóa, tập huấn, bồi dưỡng quốc tế. Đón hơn 100 đoàn ngoại giao, đoàn khách và tổ chức quốc tế với hơn 1.000 lượt người đến thăm và làm việc; tổ chức hơn 20 hội thảo, hội nghị quốc tế với quy mô lớn, thu hút hơn 2.000 lượt nhà khoa học tham gia.
Công tác truyền thông, quảng bá, nhận diện thương hiệu tiếp tục được đổi mới cả về phương pháp, hình thức và nội dung, góp phần thúc đẩy hợp tác và nâng cao hình ảnh của Nhà trường trong cộng đồng trong nước và quốc tế. Hợp tác với các doanh nghiệp được mở rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp cơ sở, điều kiện thực hành - thực tập, việc làm, cung cấp thông tin định hướng đào tạo, nghiên cứu cho Nhà trường. Từ năm 2020 đến nay, Nhà trường đã ký kết hơn 100 hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, kết nối hợp tác với trên 200 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng thiết lập quan hệ hợp tác với hầu hết các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành ven biển, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ góp phần phát triển đời sống kinh tế, xã hội của các địa phương.
Hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng được Nhà trường triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Hoạt động tình nguyện, từ thiện xã hội vì cộng đồng tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ, tham gia của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Trường. Các khóa tập huấn chuyên môn về kỹ thuật, tập huấn cho ngư dân nuôi trồng, chế biến, khai thác thủy sản; các khóa giảng dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh; các cuộc thi về môi trường, tin học, tiếng Anh, sáng tạo khoa học công nghệ cấp tỉnh cho học sinh;… được Nhà trường tổ chức với quy mô lớn, qua đó đem lại các lợi ích thiết thực cho cộng đồng, đồng thời gia tăng ảnh hưởng, vị thế, uy tín của trường đối với địa phương và khu vực.

Phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn 2020 – 2025, trong thời gian tới, Nhà trường hướng đến hợp tác trong nước và quốc tế sâu rộng, có từ 3-5 đối tác quốc tế chiến lược trong lĩnh vực khoa học - công nghệ biển, thủy sản; có mạng lưới liên kết đa dạng và bền vững với các doanh nghiệp phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao tri thức. Trường sẽ tập trung hoàn thiện chính sách, văn bản quản lý về công tác hợp tác đối ngoại, phục vụ cộng đồng; phân rõ trách nhiệm, quyền hạn đến từng cá nhân, đơn vị trong triển khai các hoạt động hợp tác đối ngoại và phục vụ cộng đồng; tăng cường công tác giám sát và có kế hoạch cải tiến phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược giai đoạn 2025 - 2030 trong lĩnh vực hợp tác đối ngoại và phục vụ cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học; có các chương trình liên kết đào tạo cấp bằng ở bậc đại học và sau đại học (ít nhất 3 chương trình, đạt tỷ lệ sinh viên quốc tế ít nhất 1,5% sinh viên toàn trường); tăng số lượng và chất lượng các dự án hợp tác nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ biển (mỗi năm có ít nhất 5 đề tài/dự án hợp tác quốc tế về NCKH).
Kết quả đạt được trong công tác hợp tác đối ngoại và phục vụ cộng đồng giai đoạn 2020 – 2025 không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học mà còn khẳng định vị thế Nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và quốc tế. Đây chính là nền tảng vững chắc để Trường Đại học Nha Trang tiếp tục phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành đại học vùng, có uy tín trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực khoa học công nghệ biển và thủy sản./.
Ngô Văn An – Phòng CTCT&SV