TS Đặng Thúy Bình – Viện CNSH&MT: “Làm khoa học một cách nghệ thuật”

  • 04-07-2020
  • /
  • Công đoàn DHNT
  • 1011
  • Người tốt việc tốt
Nhân kỷ niệm ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5), Trường ĐH Nha Trang xin gửi đến quý độc giả bài viết về một tấm gương phụ nữ làm nghiên cứu khoa học giỏi. Nhân vật lần này là TS Đặng Thúy Bình – Giảng viên Viện CNSH-MT, Trường ĐH Nha Trang.


3 lần được nhận tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ

TS Đặng Thúy Bình công tác tại Trường ĐH Nha Trang đã gần được 30 năm. Tại trường ĐH Nha Trang, TS Bình là một trong những giảng viên nữ nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. TS Thúy Bình tốt nghiệp cử nhân ngành Sinh học tại Trường ĐH Đà Lạt vào năm 1992, sau khi chuyển về công tác tại Trường ĐH Thủy sản (nay là Trường ĐH Nha Trang), chị tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học tập với tấm bằng thạc sĩ Khoa học sinh học biển tại ĐH Aahus, Đan Mạch và bằng Tiến sĩ Đa dạng sinh học biển tại ĐH Bergen, Na Uy.

TS Bình chia sẻ trong thời gian học tiến sĩ, chị đã hình thành niềm đam mê đối với công tác nghiên cứu khoa học nên ngay sau khi trở về trường tiếp tục công tác, chị dồn hết tâm huyết vào công việc nghiên cứu, hiện nay chị đã thực hiện 18 đề tài/dự án nghiên cứu các cấp và có gần 70 bài báo trong nước và quốc tế được đăng trên các tạp chí uy tín. Ngoài ra, điểm nổi bật phải kể đến, đó là chị đã 3 lần được nhận tài trợ của Chương trình Quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy tham gia nghiên cứu (PEER). Đây chương trình do USAID tài trợ phối hợp với một số cơ quan khác của Chính phủ Hoa Kỳ và do Viện Khoa học quốc gia Hoa Kỳ (NAS) quản lý. Tổng giá trị mà chương trình đã tài trợ cho dự án của TS Bình và các đối tác để nghiên cứu về Đa dạng sinh học, di truyền quần thể các loài cá trước những thay đổi hiện hữu do hoạt động của con người và biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong là hơn 800,000 USD (PEER 2-7, 3-100 và 6-435), trong đó kinh phí dành cho Trường ĐH Nha Trang là hơn 450,000 USD. Là một chương trình tài trợ khoa học toàn cầu với mức độ cạnh tranh cao, việc 3 lần nhận được tài trợ thể hiện sự công nhận và đánh giá cao đối với sự quan trọng và tầm ảnh hưởng của những nghiên cứu mà TS Bình và các cộng sự đang thực hiện. Bên cạnh đó, TS Bình còn thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học từ Cộng đồng Châu Âu (EU), Bộ ngoại giao Na Uy (NORAD),  Mạng lưới  Châu Á – Thái Bình Dương (APN)  và đào tạo (Erasmus+).

Mỗi ngày tôi phải làm được một điều mới

Niềm đam mê yêu thích khoa học của TS Bình được nhen nhóm từ thói quen đọc sách từ nhỏ. Chị công nhận mình đến với khoa học khá muộn khi đến năm 30 tuổi mới học xong thạc sĩ, 40 tuổi mới học xong tiến sĩ. Tuy nhiên cho đến thời điểm này có thể nói, đam mê với khoa học đã khiến chị tiến những bước nhanh và chắc trong sự nghiệp nghiên cứu của mình. Chị kể “Đặc biệt kể từ khi học xong tiến sĩ, sự hấp dẫn của ngành khoa học biển đã nhen nhóm đam mê khoa học trong mình. Tìm hiểu về thế giới thủy sinh kỳ thú và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ tương lai là con đường mình đã chọn, sẽ tiếp tục bước đi và chưa bao giờ nghĩ sẽ dùng lại.  May mắn trên con đường đó, đồng hành cùng mình là những cộng sự và đối tác đầy tân tậm và đam mê.”

Tình yêu đó khiến chị “mỗi ngày gần như là phải làm được một cái gì đó mới thì mình mới cảm thấy có ý nghĩa, nếu không sẽ bứt rứt không yên”. Với chị, khoa học sẽ không còn là những con số hay công thức khô khan nếu “làm khoa học một cách nghệ thuật, và làm nghệ thuật một cách khoa học”. Chính những điều mới chị làm được từng ngày đó khiến chị giữ được “lửa’, luôn nhiệt huyết và tận tâm với công việc nghiên cứu khoa học.
 



TS Đặng Thúy Bình (thứ 3 từ trái sang) tham gia hội thảo về Bảo tồn rạn san hô tại ĐH Southern Cross, Úc


Khoa học cần tôi một ý chí kiên định

“Làm nghiên cứu khoa học có khó không?”, tất nhiên câu trả lời sẽ là không dễ một chút nào. Đối với TS Đặng Thúy Bình, khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tiên ở lưu vực sông Mekong, nhóm nghiên cứu tiếp cận với kỹ thuật hoàn toàn mới, không chỉ mới với bản thân chị, mà còn mới với cả các đối tác trên thế giới. Vậy nên tất cả mọi thứ đều phải học hỏi dần dần, người học trước hướng dẫn người học sau, trao đổi qua email, qua Skype, tổ chức các khóa tập huấn, cứ liên tục như vậy trong suốt 4 năm để tiếp cận cho được kỹ thuật và phương pháp xử lý số liệu chính xác. Trong quá trình thực hiện dự án, chị cùng cộng sự phải đi thu mẫu ở nhiều nơi, từ Việt Nam, đến Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Chị kể những chuyến đi là những kỷ niệm khó quên của chị, khó quên là bởi những lần di chuyển liên tục trên biển, trên đất liền, những lần say sóng, say tàu xe tiếp nối nhau, mệt đến nỗi muốn gục xuống nhưng vẫn phải tiếp tục công việc. Quả thật nếu không có một ý chị kiên đinh, và tình yêu đối với khoa học, những nhà nghiên cứu như chị Bình thật khó có thể tiếp tục.

Ấy vậy mà khi tất cả số liệu thu thập được trong thực tế và phòng thí nghiệm đã đặt sẵn trên bàn, chị Bình chia sẻ còn một thứ cực kỳ “khó nhằn” nữa mà những nhà nghiên cứu phải vượt qua, đó chính là giai đoạn “viết bài báo”. Đối với người ngoài cuộc, đây nghe có vẻ là công việc dễ dàng, nhưng đối với chị và nhiều cộng sự khác, đây lại là phần công việc thách thức và tốn nhiều thời gian và công sức nhất. Nó đòi hỏi một thời gian dài dành cho việc đọc và tìm hiểu những vấn đề liên quan. Cách viết như thế nào để vừa chuyển tải được thông tin khoa học lại vừa hấp dẫn người đọc, xử lý kết quả làm sao để thể hiện nhiều hàm lượng khoa học nhất. Đây chắc hẳn không chỉ là một bài toán khó với TS Bình mà còn là của rất nhiều nhà nghiên cứu khác.
 



TS Đặng Thúy Bình trong chuyến đi thu mẫu tại Lào
 

Nếu là một người phụ nữ làm khoa học, hãy đừng ngần ngại tiến lên phía trước

Chuyện phụ nữ làm khoa học không phải là câu chuyện mới mẻ. Dù vậy có thể thấy rằng, phụ nữ có nhiều thiên chức không thể thay thế được. Đối với TS Bình, để có thể cống hiến hết mình cho khoa học, tận tụy với công việc, chị cũng phải đánh đổi nhiều thứ, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe cũng không còn được như trước, nhiều công việc cần chị đến nỗi muốn chỉ chuyên tâm để nghiên cứu thôi cũng khó. Tuy nhiên, chị luôn giữ trong mình niềm tin và nhiệt huyết tiến lên, đặc biệt đối với các cộng sự nữ của mình. Một điều chị nhận thấy ở phụ nữ là “khả năng làm được nhiều việc cùng một lúc”, đó có thể là một đặc ân tuyệt vời để những nhà nữ nghiên cứu tự tin vào chính mình, bởi vậy chị có thể hoàn thành nhanh chóng nhiều công việc có tính chất khác nhau, từ viết nội dung tổng quan, đến việc chi tiết hóa, lên kinh phí cho dự án, thậm chí là truyền thông để quảng bá kết quả nghiên cứu đến các bên liên quan.

Lời khuyên của chị Bình dành cho các giảng viên trẻ đang chưa định hướng được con đường khoa học của mình là hãy tích cực tham gia vào các nhóm nghiên cứu uy tín, xác định hướng nghiên cứu mà mình thích, tìm kiếm các cơ hội học tiến sĩ ở nước ngoài. Việc tham gia vào các nhóm nghiên cứu mang lại nhiều cơ hôi từ việc chia sẻ công trình nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi để xin các học bổng, tài trợ từ nước ngoài, và phát triển sự nghiệp của bản thân.



TS Bình chia sẻ tại Hội nghị Khoa học trẻ toàn quốc ngành thủy sản

Tre già, măng mọc

Ngoài chuyên tâm với công việc của dự án, TS Bình còn rất quan tâm đến việc hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học. Chị tham gia hướng dẫn luận văn cho sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh, có lúc một lần hướng dẫn đến 10 sinh viên. Phần lớn sinh viên của chị là phụ nữ, không ít bạn khi bảo vệ đang ở những tháng cuối thai kỳ. Tùy vào năng lực và điều kiện, hoàn cảnh của sinh viên, chị có những điều chỉnh, hỗ trợ khác nhau để họ có thể đạt điểm số cao khi bảo vệ tốt nghiệp. Có những người tham gia vào nhóm nghiên cứu của chị từ khi còn là sinh viên, đến khi tốt nghiệp, học thạc sĩ, hiện tại vẫn tiếp tục cùng chị tham gia vào các dự án nghiên cứu.

Chị nói “Sinh viên là một phần không thể thiếu trong dự án của chị”. Có đôi lúc để tạo điều kiện cho sinh viên và thành viên nhóm nghiên cứu có thể tham gia các khóa tập huấn tại nước ngoài, chị lại gây áp lực tài chính cho chính mình, cố gắng tìm những khoản hỗ trợ khác nhau từ đối tác, chấp nhận giảm những ưu đãi dành cho bản thân để người khác có cơ hội được nâng cao kiến thức. Ấn tượng đến nỗi một đối tác người Campuchia (TS. Chheng Phen, Viện Nghiên cứu và Phát triển Nội Đồng) đã bày tỏ sự ngạc nhiên vì sao lúc nào chị cũng có nhiều sinh viên vây quanh đến thế.
 



TS Bình cùng cộng sự và sinh viên tham dự hội thảo quốc tế tại Thái Lan



TS Bình cùng học viên trong ngày tốt nghiệp
 

Kết

Bằng tất cả tài năng và sự nỗ lực, những thành quả mà TS Bình đạt được cho đến hiện tại dường như cũng khiến chị phần nào hài lòng. Nó có thể đã vượt hơn cả kỳ vọng của chị trước kia. Tuy vậy, chị vẫn mong mình có thể làm được nhiều hơn, công bố được nhiều kết quả nghiên cứu hơn, có nhiều thời gian hơn để chuyên tâm vào công việc nghiên cứu khoa học. Cùng mong chờ và hy vọng TS Bình cùng cộng sự của mình có thể đạt được thêm nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.



(Theo: Phòng Hợp tác Đối ngoại - Trường Đại học Nha Trang)

 

TS Đặng Thúy Bình – Viện CNSH&MT: “Làm khoa học một cách nghệ thuật”
Trường Đại học Nha Trang: Chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động

Tin tiếp theo

Trường Đại học Nha Trang: Chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động

Bài viết liên quan

Trường Đại học Nha Trang: Thiết kế, chế tạo tủ sấy đa năng
30/09/2020

Trường Đại học Nha Trang: Thiết kế, chế tạo tủ sấy đa năng

Trường Đại học Nha Trang: Chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động
30/09/2020

Trường Đại học Nha Trang: Chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động

Trường Đại học Nha Trang: Nghiệm thu đề tài nghiên cứu về cá bè đưng
30/09/2020

Trường Đại học Nha Trang: Nghiệm thu đề tài nghiên cứu về cá bè đưng

Tri ân giảng viên và cựu sinh viên đóng góp cho hoạt động trao tặng máy rửa tay sát khuẩn tự động
30/09/2020

Tri ân giảng viên và cựu sinh viên đóng góp cho hoạt động trao tặng máy rửa tay sát khuẩn tự động