Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - học tập những giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc

  • 22-05-2013
  • /
  • Quản trị website
  • 2159
Chủ tịch Hồ Chí Minh - từ góc nhìn về một danh nhân văn hóa.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - học tập những giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực toàn diện của dân tộc Việt Nam. Trí tuệ tâm hồn của Người luôn hội tụ và kết tinh những gì cao quí nhất, thánh thiện và nhân bản nhất. Từ cuộc đời “vì nước vì non” ấy luôn lấp lánh một phẩm chất trong sáng thanh cao mà bất cứ ai trong chúng ta muốn làm người, thành người đều phải noi theo, đều trân trọng kính phục. Đã có nhiều cách tiếp cận, nghiên cứu về cuộc đời sự nghiệp của Bác để rồi nhiều cụm từ được xác định: Một tầm nhìn vĩ đại, một nhân cách cao thượng, một trí tuệ minh triết, một lý tưởng tuyệt vời, một tâm hồn rộng mở, một trái tim chan chứa tình thương… Khi thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mỗi người có mỗi cách tiếp cận riêng, từ những xuất phát điểm khác nhau và với những hình thức, phương cách không giống nhau nhằm biến chủ trương thành hành động cụ thể thiết thực. Người viết bài này mong ước được nhắc nhở mọi người và tự mình tìm hiểu, đến với Bác từ góc nhìn về một danh nhân văn hóa. Bởi, trên thế giới có nhiều vĩ nhân kiệt xuất, nhiều nhà chính trị tài ba, nhà khoa học lỗi lạc, nhưng có nhiều hơn thế để tổng hòa nên một nhà tư tưởng, văn hóa lớn như chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta thì quả là xưa nay hiếm. 

Một cách tiếp cận

Khi tôn vinh Người là danh nhân văn hóa kiệt xuất và Anh hùng giải phóng dân tộc, tổ chức UNESCO đã ghi nhận: Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh là kết tinh của truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau.

Vậy văn hóa được quan niệm ra sao khi tiếp cận một danh nhân?

Văn hóa là những giá trị về tinh thần hay vật chất do con người trong quá trình tác động vào tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình tạo ra. Văn hóa còn là sự hiểu biết trong xử thế, hiểu biết để làm người. Mỗi người có một vẻ độc đáo trong ứng xử và thể hiện lòng nhân ái khác nhau nhưng ứng xử văn hóa của Bác Hồ mang cốt cách, diện mạo, sắc thái của một tâm hồn đặc trưng Việt Nam: nhân ái, tận tụy, hy sinh, suốt cuộc đời một lòng vì dân vì nước. Người vừa mang những nét tiêu biểu của văn hóa dân tộc vừa hội tụ kết tinh văn minh của nhân loại; vừa rất mực nhân từ vừa triệt để cách mạng; vừa nhìn xa trông rộng vừa thiết thực cụ thể. Trong khổ đau tù ngục Người vẫn ung dung tự tại, lạc quan nhìn về tương lai. Trong khó khăn gian nguy, Người vẫn thanh thản vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh nhằm mục đích phát huy các khả năng vô tận của con người, tôn trọng quyền và phẩm giá con người, nâng cao con người lên đỉnh cao của trí tuệ và đạo đức.

Trong những giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc, Hồ Chí Minh đã kế thừa tinh thần cộng đồng, một lối sống thành thực, thân ái, những thuần phong mỹ tục, trở thành những yếu tố đậm nét trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ngay từ năm 1947, trong khi cuộc chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra quyết liệt, người đã đề cập đến đời sống mới của mỗi người, mỗi nhà và khắp cả nước. Xoay quanh hạt nhân của đời sống mới là cần, kiệm, liêm, chính, Hồ Chí Minh đã nói đến thuần phong mỹ tục, không có cờ bạc, hút xách, trộm cắp. Người luôn nhắc đến, nêu cao tinh thần nhân ái, thường nhắc đến những câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách”, “đói cho sạch rách cho thơm”, những câu ca dao thấm dẫm tình yêu quê hương đất nước. Người nói: Cách cư xử đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ…và nhiều lần, Người nhấn mạnh đến việc xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục, tức là phát triển một trong những giá trị văn hóa truyền thống.

Suốt cả cuộc đời làm cách mạng chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tìm tòi, chắt lọc những tinh hoa, những yếu tố tích cực của văn hóa Phương Đông, nhất là của Nho giáo, Phật giáo. Trong các tác phẩm của mình, Người nhiều lần vận dụng các khái niệm, phạm trù, luận điểm của Nho giáo nhưng gắn vào đấy những nội dung cách mạng của thời đại. Chẳng hạn Người vận dụng các khái niệm “trung”, “hiếu” của Nho giáo và phát triển thành “trung với nước, hiếu với dân”. Người tiếp thu tư tưởng từ bi, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo và hướng cho mọi người “làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải của nô lệ”. Hồ Chí Minh đã được tiếp xúc với văn hóa phương Tây ngay từ thuở thiếu thời khi theo học lớp dự bị trường tiểu học Pháp. Những tư tưởng của văn hóa phương Tây như tự do, bình đẳng, bác ái đã sớm có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành văn hóa Hồ Chí Minh. Sau này, khi bôn ba qua Pháp và nhiều nước khác, Hồ Chí Minh còn được tiếp cận với các giá trị văn hóa nổi bật khác của phương Tây như chủ nghĩa nhân văn, tinh thần duy lý và văn hóa dân chủ. Những giá trị văn hóa như vậy đã được hợp dung trong văn hóa Hồ Chí Minh và được Người vận dụng sáng tạo vào việc lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa sau này.

Hồn dân tộc - mạch nguồn của lòng nhân ái và sự sáng tạo

Sinh ra nơi làng Sen có núi Hồng sông Lam thơ mộng, một mảnh đất có truyền thống linh kiệt địa nhân, phần lớn thời gian của đời mình, Người ghi dấu bước chân mình khắp bốn biển năm châu nhưng chưa bao giờ nguôi nhớ về quê hương “đi suốt cuộc đời vẫn nhớ tới quê hương”. Khi trở về thăm quê lại “xúc động bồi hồi Người lau dòng lệ, thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo”. Ngay trong sở thích ăn uống Bác vẫn luôn nhớ đến những quả cà đặc trưng của một vùng đất khó nghèo lam lũ. Từng lời ăn tiếng nói, từng nếp nghĩ thói quen, hồn dân tộc luôn thấm đẫm dâng tràn. Lần giở từng áng thơ, trang sách trong di sản Người để lại, từ những bài nói chuyện đến những trang viết Người đều dùng lối nói cách viết gần gũi nhất dễ hiểu nhất. Người rất yêu những câu hát dân ca, yêu vô cùng câu ví dặm nhớ thương của quê nhà. Trong một lần xem chương trình Con đường âm nhạc của cố nhạc sĩ Trần Hoàn do VTV thực hiện, người viết bài này đã không kìm được những giọt nước mắt khi nghe nhạc sĩ kể về hoàn cảnh sáng tác bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Nhạc sĩ kể với tâm trạng day dứt, khi Bác mất, nhạc sĩ không được ở bên nhưng khi về nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị và những người phục vụ Bác kể lại rằng trước lúc đi xa bác hỏi những người xung quanh có ai hát cho Bác nghe một câu hò Huế, một khúc ví dặm hay một làn điệu dân ca nào đó không? Một câu thôi cũng được… Mọi người khóc vì thương Bác và vì không ai biết hát để đáp ứng ước muốn nhỏ nhoi mà rất đỗi thiêng liêng ấy của Bác: Muốn những âm hưởng thiết tha, những giai điệu mượt mà sâu lắng thấm đượm tình quê nâng giấc, đưa tiễn trước lúc đi xa…Làm sao, có ai chuẩn bị tâm thế để hát tiễn biệt Người trong hoàn cảnh đau thương ấy. Vậy mà ta vẫn cảm thấy có lỗi, cảm thấy đắng lòng xót xa cho một ước muốn nhỏ nhoi của Bác, của một tâm hồn yêu tha thiết quê hương. Tâm hồn ấy, trái tim ấy trước hết và cao hơn cả là trái tim biết yêu và một tâm hồn biết rung cảm trước vẻ đẹp dung dị của ruộng lúa bờ tre, say đắm trước âm giai dung dị thuần khiết của từng câu hò lời hát thấm đẫm hương vị quê hương như thế. Phải yêu lắm, gắn bó tha thiết lắm mới có những mong ước giản đơn nhưng thật đáng trân trọng như thế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên có nhu cầu và khả năng, bằng hoạt động lý luận và thực tiễn của mình, đi đầu và góp phần tiến hành công cuộc cách mạng văn hóa ở Việt Nam bằng ý chí và khả năng sáng tạo tuyệt vời. Cuộc cách mạng văn hóa mà Hồ Chí Minh khởi xướng và lãnh đạo được bắt đầu bằng một loạt chủ trương và biện pháp, từ cuộc vận động thanh toán nạn mù chữ và phong trào Bình dân học vụ nhằm chống giặc dốt, đến các cuộc vận động Đời sống mới, cải cách lối sống và phong cách làm việc; từ yêu cầu phát triển nền giáo dục và y tế quốc dân đến từng bước gây dựng phong trào văn nghệ nhân dân... Trong Sửa đổi lối làm việc, trong Cách viết, trong những bài nói chuyện, bài viết của Hồ Chí Minh với các giới văn hóa, khoa học, nghệ thuật, Người đã góp công lớn trong công cuộc xây dựng nền tảng cơ bản cho quá trình xây dựng bồi đắp và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Tấm gương sáng về văn hóa ứng xử

Đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, văn hoá ứng xử của Người vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái gần gũi, khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình kịp thời, nghiêm khắc mà vẫn khoan dung, độ lượng, lay động cảm hoá lòng người cao độ. Văn hóa ứng xử của người đã thâu thái được cái gần gũi tế nhị với độ sâu sắc lịch lãm, cái dung dị đời thường với tầm cao của tư duy bác học; sự hoà quyện trong phương sách ứng xử Hồ Chí Minh đã đạt tới nghệ thuật đặc trưng riêng “dĩ bất biến ứng vạn biến” ít pha lẫn với mọi người.

Sự cảm hoá thức tỉnh ở Hồ Chí Minh có sự tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài, nhưng bên cạnh đó là xuất phát từ tấm lòng độ lượng bao dung của Bác được thể hiện trong văn hoá ửng xử của Người. Với sự tinh tế mẫn tiệp, Người đã cố gắng khoả lấp các khoảng cách, đạt tới đỉnh điểm của mối tương đồng, đẩy xa những dị biệt để vươn tới mục tiêu phù hợp với từng bối cảnh lịch sử cụ thể, mang lại lợi ích chung cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ giác độ của sự cảm thông, lòng bác ái và nhãn quan của “con mắt xanh” đi trước thời đại, Người đã quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, những trí thức lớn rời bỏ cuộc sống vinh hoa để phục vụ đất nước. Bác đã động viên, tạo môi trường tốt cho các vị lãnh tụ cách mạng cống hiến. Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Đại nghãi, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên, Lương Đình Của…, mỗi người một lĩnh vực khác nhau nhưng dưới sự chỉ dắt tận tình của Bác, họ đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, để lại cho đất nước những tấm gương sáng về trí tuệ nhân cách, về khát vọng cống hiến và phép ứng xử tài tình.

Tin tưởng quý trọng nhân dân nên trong giao tiếp ứng xử với họ, Bác thường nhắc nhở: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trân trọng nhân cách của người ta”. Riêng đối với những người lầm đường, lạc lối hay đã từng cộng tác với bên kia trận tuyến, Người yêu cầu “Không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hoá khoan dung”. Sự khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ bản sắc văn hoá, truyền thống đại nghĩa của dân tộc nên đã cảm hoá đối với cả khối óc và trái tim những người đứng bên kia trận tuyến.

Văn hoá ứng xử nói riêng, giá trị văn hóa nói chung được kết tinh từ tâm hồn nhân cách của chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai muốn đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu học tập noi theo tấm gương Bác. Học tập Bác không thể không quan tâm đến những giá trị văn hóa quí giá mà cả cuộc đời làm cách mạng Bác để lại trong di sản. Giá trị ấy sống mãi với thời gian, là hành trang quý giá để Đảng và Nhà nước ta vận dụng chủ trương mở cửa hội nhập, để cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là thực hiện tự phê bình và phê bình, xây dựng văn hoá ứng xử được hiện thực hoá vào thực tiễn cuộc sống.

Dương Thị Thanh Huyền

Khoa Khoa học Chính trị

Đội tuyển Taekwondo Đại học Nha Trang đạt thành tích cao tại Đại hội TDTT tỉnh Khánh Hòa lần VII năm 2013

Prev article

Đội tuyển Taekwondo Đại học Nha Trang đạt thành tích cao tại Đại hội TDTT tỉnh Khánh Hòa lần VII năm 2013
CÁC HOẠT ĐÔNG QUYÊN GÓP ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO MIỀN BẮC BỊ THIỆT HẠI DO BÃO SỐ 3 GÂY RA

Next article

CÁC HOẠT ĐÔNG QUYÊN GÓP ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO MIỀN BẮC BỊ THIỆT HẠI DO BÃO SỐ 3 GÂY RA

Related article